Văn hóa & Khoa học

Miệng hài cốt thế kỷ 16 bị nhét gạch là ma cà rồng?

Hài cốt người chết có một viên gạch nhét vào miệng được cho là lời thần chú để đánh bại con ma cà rồng bất tử được tìm thấy ở Venice, Ý vẫn chưa có lời giải chính xác và đang gây ra nhiều tranh cãi trong giới khoa học.

Đầu lâu hài cốt có gạch nhét vào miệng bị nghi là ma cà rồng (Ảnh: Livescience)

Hài cốt người phụ nữ này có niên đại ở thế kỷ 16 khi mà bệnh dịch hạch tàn phá Châu Âu, giết chết khoảng 50 nghìn người, tức gần 1/3 dân số của thành phố. Theo lý giải của của Nuzzolese và Borrini ở Đại học Florence (Ý) trên Tạp chí Khoa học Pháp vào năm 2010, hài cốt người phụ nữ này được bọc trong một tấm vải liệm và được coi là một con ma cà rồng. Cần có tấm vải liệm bao bọc vì khi xác chết co lại, các bộ phận như móng tay chân có thể phát triển thành ma cà rồng. Viên gạch nhét vào miệng hài cốt có lẽ để xua đuổi con quái vật đó và được cho là bằng chứng đầu tiên về việc chôn cất ma cà rồng trong khảo cổ học. Trái ngược với quan điểm trên, nhà nhân chủng học vật lý Simona Minozzi ở Đại học Pisa ở Italy cho rằng, viên gạch kia chỉ vô tình rơi vào miệng hài cốt người phụ nữ. Những lập luận mà nhóm của Borrini đưa ra không đủ thuyết phục. Theo Minozzi xung quanh hài cốt có rất nhiều gạch, đá. Vì hàm các xác chết thường mở rộng nên rất có thể gạch đá sẽ rơi vào đó. Hơn nữa cũng không có bằng chứng rõ ràng về tấm vải liệm tại vị trí xương đòn của bộ hài cốt trên. Minozzi gọi ý tưởng về ma cà rồng chỉ là sự vô nghĩa. Nhưng vài năm gần đây ở Ý lại rộ lên những tin về ma cà rồng. Cô cho rằng, đó chỉ là sự gây chú ý và thu hút tài trợ nghiên cứu.
Phía Borrini bác bỏ ý kiến trên và sẽ tiến hành thảo luận chi tiết vùng khai quật được hài cốt này để chứng minh giả thuyết của mình.
Minh Nhân (theo Livescience)
Theo ĐVO 

Bí ẩn cú đớp kịch độc của rồng Komodo


Sức mạnh hủy diệt khó tin của rồng Komodo cuối cùng đã được giải mã, và nó không hề giống với những gì bạn vẫn tưởng tượng.

Cú đớp của Kodomo gây chết con mồi do trong nước bọt của nó có chứa cực nhiều vi khuẩn kịch độc.
Komodo hiện là loài thằn lằn lớn nhất thế giới với chiều dài thân tối đa lên tới 2,7m. Nó có thể tiêu diệt nhiều loài động vật có kích cỡ lớn hơn mình rất nhiều như trâu nước, lợn rừng hay hươu Timor chỉ với một cú đớp kinh hoàng. Đã có nhiều giả thiết được đưa ra về cú đớp sát thủ của rồng Komodo, chẳng hạn như trong nước dãi của chúng có chứa chất kịch độc, khiến nạn nhân tử thương tức khắc. Tuy nhiên, theo DailyMail, nghiên cứu mới nhất tin rằng một trong những chìa khóa làm nên sức mạnh sát thủ của loài rồng này chính là... vi khuẩn.
“Nước bọt, răng của rồng Komodo có chứa cực kỳ nhiều vi khuẩn gây nhiễm trùng, nhiều tới mức con mồi gần như không có cơ hội tự lành và chỉ có nước chờ chết”, các chuyên gia của Đại học Texas cho hay.
Một điểm đáng chú ý nữa là các vi khuẩn này còn truyền từ rồng Komodo sang các cá thể thằn lằn khác, khiến cho toàn bộ cộng đồng thằn lằn ở vùng đảo Đông Indonesia trở nên “sát thủ” hơn bất cứ nơi nào khác.
Những con mồi may mắn chạy thoát cú tấn công đầu tiên sẽ trở thành vật trung gian truyền vi khuẩn lây nhiễm sang cho các cá thể rồng Komodo hoặc thằn lằn ăn thịt khác. Một phân tích sâu cho thấy có tới 58 loại vi khuẩn truyền nhiễm trú ngụ trong nước bọt của rồng Komodo và 93% trong số đó là vi khuẩn có độc.
Y Lam 
VNNet

 

Đười ươi hoãn 'dậy thì' để làm thủ lĩnh

Bất cứ một cậu thanh niên choai choai nào cũng hiểu khi bên cạnh có những anh chàng lớn hơn, khỏe hơn thì mình khó lòng tiếp cận được với những cô gái đẹp. Bọn đười ươi (orang-outang) sống trên đảo Borneo và Sumatra (hai hòn đảo ở Indonesia, quê hương của đười ươi) cũng gặp vấn đề y như vậy.

Những chú đười ươi trên đảo Sumatra hoãn dậy thì để tập trung vào việc rèn luyện thể lực cho tới khi đánh bại được con đực thủ lĩnh.
Tuy nhiên, chỉ những con đười ươi Sumatra mới kiên trì áp dụng một giải pháp rất độc đáo: chúng chưa dậy thì vội mà dành mọi sức lực để biến mình thành lực lưỡng, đô con, đủ sức để “ăn thua đủ” với bọn lớn hơn đã. Và sau khi đạt được mục đích này rồi chúng mới tính đến chuyện dậy thì, ve vãn bạn gái và phấn đấu lên làm thủ lĩnh.
Những con đười ươi đực có thể sinh con đẻ cái ở tuổi xấp xỉ 15, nhưng để chinh phục được một cô bạn gái còn cần có một đặc trưng phụ về “nam tính” nữa là phải có những hàng lông dày dặn ở ngực và dễ nhận ra hơn nữa là những túm lông hai bên má.
Ở đười ươi Sumatra, khi chưa có sức lực ngang ngửa với con khỏe nhất thì các đám lông ấy của chúng cũng bị “hoãn” cả việc mọc ra. Đôi khi lâu hơn 10 năm.  Không một loài linh trưởng nào khác kể cả đười ươi Borneo có tập tính này.
Gauri Pradhan, thuộc Trường ĐH Nam Florida tại Tampa và các đồng nghiệp lưu ý đến sự khác nhau nữa giữa các cá thể tuy cùng loài những sống ở địa phương khác nhau: Những con đười ươi đực sống tại Borneo khác với đười ươi đực sống ở Sumatra, có thể “độc quyền sở hữu” những đười ươi cái hàng tuần trong một thời gian nhất định.
Để tìm hiểu hậu quả của sự khác biệt về tập tính của đười ươi sống tại hai địa phương, Pradhan xây dựng mô hình toán học về quần thể đười ươi, kéo dài hàng chục năm tại chính nơi ở của chúng.
Nhờ vậy, bà nhận thấy rằng những con đười ươi đực ở Sumatra có thể hoãn sự trưởng thành về giới tính trong điều kiện mọi đười ươi cái trong bầy đã bị con đầu đàn sở hữu độc quyền. Chúng tập trung vào việc tự rèn thể lực cho tới khi có thể thách thức sự thống trị của thủ lĩnh. Và chính vào lúc đó, chúng mới trưởng thành.
Theo tờ Newscientist, mô hình nghiên cứu này được chuyên gia hàng đầu nghiên cứu đười ươi của Trường ĐH Amsterdam (Hà Lan) Madeleibe Hardux đánh giá là “đơn giản nhưng rất chắc chắn”.
Bảo Châu
VNNet

 

 Những điều bạn chưa biết về múa rối nước

Là người Việt, bạn đã từng xem múa rối nước chưa? Bạn biết những gì về nghệ thuật này?
Múa rối nước là một loại hình văn hóa truyền thống gắn bó lâu đời với người dân Việt Nam, đặc biệt là ở vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Thông qua các câu chuyện được nghệ sĩ rối nước thể hiện, người xem sẽ cảm nhận được sắc thái của hội làng, gửi gắm vào đó những mơ ước bình dị cho cuộc sống.

Một phân cảnh múa rối nước về công việc thường ngày và nét văn hóa của người dân vùng Bắc Bộ thời xưa.

Không ai biết chính xác múa rối nước xuất hiện từ bao giờ. Nhưng theo những ghi chép cụ thể, trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông đời Trần, “đội quân rối khổng lồ” đã góp phần đánh tan kẻ thù ngoại xâm.



Trước khi chính thức trở thành nghệ thuật sân khấu, múa rối nước là hoạt động nằm trong các phường hội dân gian rải rác khắp thôn xóm, được "nuôi lớn" bằng nhiệt huyết của người dân. Từ xa xưa, người Việt Nam đã chế tạo ra 3 dạng rối: rối đồ chơi, rối diều - rối gió và rối pháo.


Từ những khối gỗ mộc mạc, chúng đã trở thành những con rối đầy sức sống.

Phổ biến nhất với nghệ thuật múa rối nước là rối đồ chơi. Các mô hình rối đồ chơi xuất phát đều là những khối gỗ mộc mạc. Sau khi được đẽo, khắc, tô màu dưới bàn tay của người nghệ sĩ, chúng sẽ trở nên có hồn hơn, trở thành một phần làm nên thành công của buổi diễn. Mô hình chú Tễu, Chí Phèo, Thị Nở bỗng tràn đầy sức sống, “ngoan ngoãn tuân theo” sự chỉ đạo của nghệ nhân điều khiển từ đằng sau tấm mành trúc.


Thời nay, các tiết mục múa rối ngày càng được đầu tư công phu hơn. Không đơn thuần là màn biểu diễn thô sơ của những nghệ nhân múa rối cùng các con rối của mình nữa, loại hình nghệ thuật này còn là sự kết hợp ăn ý của dàn nhạc chèo, hệ thống ánh sáng, hiệu ứng khói, tia lửa… khiến màn biểu diễn rối nước trở nên vô cùng sống động.


Sân khấu biểu diễn rối nước.

Mở màn chương trình biểu diễn rối nước thường là những làn điệu quan họ của các nghệ sĩ tham gia “lồng tiếng” cho nhân vật rối. Tiếp theo, những tiết mục có nội dung ca ngợi "thú làm ruộng" của người nông dân, giã gạo, dệt khung cửi, các trò vui chơi giải trí lành mạnh như chọi trâu, múa lân... lần lượt được trình diễn. Ngoài ra, việc tái hiện các sự kiện lịch sử như trận đánh của Hai Bà Trưng, Lê Lợi… cũng đem đến những trải nghiệm khác nhau cho khán giả.


Dàn nhạc tham gia lồng tiếng cho buổi biểu diễn.

Không những thế, trong một vài màn biểu diễn, các nghệ nhân sẽ xuất hiện tham gia “diễn” cùng các nhân vật rối của mình.

“Đặc sản văn hóa” Việt Nam

Múa rối nước hiện nay đã trở thành “đặc sản văn hóa” Việt Nam. Các vị khách du lịch thường rất hào hứng trước những chương trình biểu diễn văn hóa khi đến thăm đất nước chúng ta, đặc biệt là múa rối nước.

Họ bị thu hút bởi các làn điệu chèo đầu chương trình với “dàn giao hưởng dân tộc” gồm những nhạc cụ như sáo, bộ gõ, đàn bầu, đàn tam thập lục... Âm nhạc trong múa rối nước giúp gắn kết các tiết mục với nhau. Các nghệ nhân múa rối nước dựa theo tiết tấu nhạc mà điều khiển con rối lúc khoan thai, lúc sôi động.


Múa rối đã trở thành một trong những nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam.


Những nhân vật múa rối được điều khiển khéo léo và tài tình bởi những nghệ nhân “bí ẩn”. Các teen nước ngoài khi xem múa rối nước đã tỏ ra trầm trồ thán phục không biết bí quyết gì giúp nghệ nhân múa rối có thể phối hợp ăn ý với nhau đến vậy sau tấm màn che. Hình ảnh hai chú trâu chọi nhau tranh giành ruộng lúa, những điệu múa uyển chuyển khi cá chép hóa rồng bay lên trời cao lý giải ý nghĩa cái tên Thăng Long… đã hoàn toàn chinh phục các vị khách nước ngoài.


Bạn có nhận ra đây là phân cảnh trong sự kiện trả gươm cho rùa thần của vua Lê Lợi?


Cảnh đua thuyền tái hiện lễ hội truyền thống.

 Theo Linh Linh - VNNet

Xác định ngày mất chính xác của Chúa Giêsu

Các nhà địa chất Mỹ và Đức đã khẳng định rằng họ đã xác định chính xác ngày mất của chúa Giêsu trên cơ sở phân tích các hoạt động địa chấn của vùng Biển Chết.



Những dữ liệu địa chấn giúp các nhà khoa học xác định ngày mất chính xác của Chúa Giêsu.  Ảnh: Gazeta.ru
Ông Jefferson Williams, làm việc tại tổ chức Supersonic Geophysical cùng với các đồng nghiệp người Đức tại Trung tâm nghiên cứu địa chất Đức là Markus Schwab và Achim Brauer đã tuyên bố rằng chúa Giêsu khi chết vì bị đóng đinh giang tay trên cây thánh giá vào thứ sáu, ngày 3/4, năm 33 trước Công nguyên, hãng thông tấn Nga RIANovosti, trích dẫn từ nguồn tin từ Ba Lan сủa hãng Katolicka Agencja Informacyjna (Thông tin Thiên chúa giáo) cho hay.
Các nhà khoa học đã so sánh các dữ liệu địa chấn trong văn bản Di chúc mới với những quan sát thiên văn. Lịch sử biên niên của động đất tại vùng Biển Chết cho thấy rằng khu vực nằm cách Jerusalem 20 kilomet này có những hoạt động địa chấn đặc biệt vào năm 31 trước Công nguyên cũng như giữa những năm 26 và 31 sau Công nguyên.
Trận động đất thứ hai xảy ra vào những ngày Chúa làm công tố viên tại Toà án Pontius Pilate xứ Judah. Сái chết của Chúa Giêsu cũng được khẳng định trong 4 chương “Tin lành” trong kinh Phúc âm nói về cuộc đời chúa Giêsu và những văn bản của sử gia La Mã là Tasitus. 
William đã giải thích “bóng tối bao trùm” được mô tả trong chương Tin lành sau khi chúa chết chính là bão cát, một hiện tượng ít khi xảy ra ở vùng này.
Bảo Châu
VNNet


Khám phá bữa ăn của người cổ đại

Để nghiên cứu những người tiền sử ăn uống ra sao, các nhà khoa học đã phân tích những chiếc răng còn lại dưới dạng hoá thạch.



Phân tích những chiếc răng hóa thạch có thể giúp chúng ta hiểu biết về chế độ dinh dưỡng của người tiền sử. Ảnh minh họa.
Các nhà khoa học đã so sánh những chiếc răng của 58 người sống trong các thời đại khác nhau từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 19 tại Tây Ban Nha và những chiếc răng hoá thạch của người Inuit cổ đại sống tại vùng Alasca (Mỹ).
Để làm được việc này, họ đã nghiền nhỏ những mẫu vật đến kích thước rất nhỏ (trung bình 5 đến 10 miligam) và xác định thành phần các đồng vị của cacbon và nitơ nhờ quang phổ khối.
Trên cơ sở những đồng vị bền của 13С và 15N các nhà khoa học đã xác định được những đặc điểm về ăn uống của người tiền sử. Nguyên tố Nitơ - hầu như không ngoại lệ - có mặt trong tất cả các loại thực phẩm là thịt và việc tiêu thụ nhóm thực phẩm này thay đổi theo tỷ lệ giữa nitơ và đồng vị của nó trong các mô.
Các kết luận rút ra là:
- Thứ nhất, tỷ lệ thịt xác định trong các mẫu răng người Tây Ban Nha trùng với những đánh giá độc lập khi phân tích collagen của xương.
- Thứ hai, việc phân tích mẫu răng hoá thạch của người Inuit cho biết tỷ lệ thực phẩm thịt trong khẩu phần ăn của họ cao hơn tỷ lệ đó trong khẩu phần của người Tây ban Nha. Điều này cũng phù hợp với khẩu phần ăn hiện nay của thổ dân Inuit sống tại Alasca.
Hiện nay còn có cả những phương pháp khác nữa cho phép thu được những thông tin tương tự từ các mẫu khác như collagen của xương, tóc, móng tay. Tuy nhiên nếu dùng các mẫu vật đó để phân tích thì buộc phải phá huỷ những đoạn xương hoá thạch. Thêm nữa, tóc và móng tay hiếm hoi, rất ít khi phát hiện được trong các khu di tích khai quật vì chúng không bảo quản được trong thời gian dài.
Ngược lại những chiếc răng hoá thạch rất dễ tìm được và dễ bảo quản. Ưu điểm của phương pháp mới là có thể xác định được người thượng cổ ăn gì mà không cần phải làm hư hại đến các mẫu vật quý giá.
Công trình này được công bố trên Tạp chí Journal of Archaeological Science, dưới dạng tóm tắt và toàn văn trên trang mạng của Trường ĐH bang Nevada.

Bảo Châu
                                                 50 điều đáng yêu của Việt Nam

Việt Nam quê hương tôi là một chàng lãng tử đã trải qua bao biến động đắng cay và tàn nhẫn của thời thế và lựa chọn; nhưng cũng là một cô gái tuổi 13 vừa theo cha mẹ lên chùa Hương với bao hy vọng xa và mộng ước gần...
T/S Alan Phan là một doanh nhân bôn ba làm ăn trên 43 năm qua tại Mỹ và Trung Quốc. Ông cũng là tác giả của 8 cuốn sách Anh và Việt ngữ về kinh tế tài chánh của các nền kinh tế mới nổi. Ông tốt nghiệp tại các ĐH Penn State, American Intercontinental (Mỹ), Sussex (UK) và Southern Cross (Australia). Website cá nhân là www.gocnhinalan.com. Trên đó ông dành tình cảm cho Việt Nam với những dòng chữ như sau:

Cân bằng trong tư duy và cảm xúc là một yếu tố cần thiết cho thanh bình nội tại. Mọi vật thể và sự kiện đều có 2 mặt phải trái và nếu quá tiêu cực hay tích cực trong nhận định, phải biết điều chỉnh để có một góc nhìn theo chiều sâu.

"Tôi ngồi xuống, để tâm hồn lắng đọng, thay đổi góc nhìn và viết lên 50 điều mình yêu thích về quê hương này...".
Gần đây, tôi khá bi quan về môi trường sống ở đây, nhất là ảnh hưởng của cơn bão kinh tế và xã hội lên hành xử của con người. Người tha thiết muốn thay đổi thì bó tay, người có thể thay đổi thì dửng dưng. Chiếc xe cứ lao đầu về phía trước, không kiểm soát và tùy cho may rủi. Như thói quen, tôi ngồi xuống, để tâm hồn lắng đọng, thay đổi góc nhìn và viết lên 50 điều mình yêu thích về quê hương này:
1.      Bãi Sao Phú Quốc trong mầu nắng nhạt của hoàng hôn
2.      Những món hải sản của tiệm Gành Hào Vũng Tàu
3.      Tiếng cười khúc khích của lũ trẻ em khi trượt cát ở Mũi Né
4.      Mái tóc thề ngang tà áo tím qua cầu Tràng Tiền
5.      Nhạc Trịnh Công Sơn những đêm về sáng
6.      Những cánh diều của tuổi thơ trên ngọn đồi Đà Lạt
7.      Đứng trên đỉnh Phan Xi Păng (Fansipan) nhìn lại thân phận con người
8.      Tà áo dài mầu trắng của Như Loan trong phim Hè Muộn
9.      Tiếng vọng cổ buồn đu đưa trên võng một trưa hè Long Xuyên
10.  Mầu hoa phượng rực rỡ nơi cổng chùa Thiên Mụ
11.  Tiếng ồn ào hàng quán buổi sáng thức dậy ở Sài Gòn
12.  Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát…Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông… và tất cả thơ tình của Nguyên Sa
13.  Ngồi trên đống gạch của ngôi nhà thờ đổ nát ở Thanh Hóa (hay Hà Tĩnh?)
14.  Nụ cười của người con gái Hà Nội qua hơi nóng bát phở một buổi sáng Hồ Tây
15.  Nhìn quá khứ trôi nhanh trên con đò qua dòng sông Bến Hải
16.  Những ngày cận Tết lau chùi lư hương cho bàn thờ tổ tiên
17.  Chiếc xe LaDalat
18.  Những chém gió vô hại và các nụ cười năng nổ cùng bạn bè đêm Quy Nhơn
19.  Em tan trường về…đường mưa nho nhỏ…chim non dấu mỏ…dưới cội hoa vàng..
20.  Quán ăn Eau Vive hoang buồn của tình yêu đầu đời
21.  Chiều mưa rừng ngút ngàn trên Tây Nguyên
22.  Co ro trong cái lạnh và sương mù của Sapa
23.  Khuôn mặt nhăn nheo nhẫn nhục của bà mẹ Gio Linh
24.  Tiếng đàn dương cầm khi qua phố cổ Hội An
25.  Tranh của Tạ Tỵ
26.  Chiều mưa sóng lớn qua phà xuyên sông Hậu
27.  Căn nhà hoa bướm cạnh vườn Tao Đàn
28.  Những cành hoa đào cùng em đội mưa xuân đến thăm anh
29.  Đưa em về dưới mưa…nói năng chi cũng thừa…như mưa đời phất phơ…
30.  Vườn cây trái Lái Thiêu khi hôn em lần đầu
31.  Buổi ăn trưa và căn phòng ma ám ở Palace (Đà Lạt)
32.  Bước chập chững đầu của con trên bãi cát biển Nha Trang
33.  Tán gẫu trong chiều mưa với 17 cô gái bán hoa ở Đồ Sơn
34.  Thư giãn buổi chiều ở Zen Spa
35.  Cà phê định mệnh đêm nào ở Continental
36.  Khách sạn Six Senses ở Côn Đảo
37.  Chiếc đò chiều trên dòng sông Hương
38.  Nhớ phim L’amant và những ngày… quên đất trời
39.  Cười ra nước mắt với những…”ngây thơ” của đỉnh cao trí tuệ
40.  Trận mưa lá me khi qua trường đại học cũ
41.  Bữa cơm rau dưa ở Quảng Trị với bạn bè, gia đình
42.  Chiều xuân có một người ngơ ngác đi tìm…hoa xoan bên thềm cũ..
43.  www.gocnhinalan.com
44.  Ngồi nghe chuyện tình của em trong chuyến tàu đêm qua Phan Rang
45.  Tiếng hát Quang Lê và những ngày xưa thân ái
46.  Tắm biển Lăng Cô nhìn lên đèo Hải Vân
47.  Mặt trời soi bóng nhỏ dịu hiền…đã ngậm sầu ngang môi lắng im
48.  Cô gái quê Tiền Giang cười khúc khích sau rặng cây cau
49.  Hủ tiếu Thanh Xuân đường Tôn Thất Thiệp – Sài Gòn
50.  Hôn em đêm Noel bên Vương Cung Thánh Đường
Tôi có thể tiếp tục với 50 điều yêu thích khác; hay tôi cũng có thể để tâm tư quay lại một góc cạnh khác, viết thêm 50 điều tôi không ưa về Việt Nam. Nhưng đó là tư duy và cảm xúc cho một ngày khác. Tôi trân trọng những ân phúc Trời cho và tôi biết ơn những người quen kẻ lạ đã để lại những dấu ấn tuyệt vời trong tâm hồn mình.
Mỗi người đều hưởng nhận những may mắn đến cho cuộc sống, nhiều hay ít; nhưng cái may mắn lớn nhất là nhận diện ra được cái may mắn của mình. Việt Nam quê hương tôi là một chàng lãng tử đã trải qua bao biến động đắng cay và tàn nhẫn của thời thế và lựa chọn; nhưng cũng là một cô gái tuổi 13 vừa theo cha mẹ lên chùa Hương với bao hy vọng xa và mộng ước gần. Tình yêu tuổi măng tre và khôn ngoan của tóc bạc tạo nên một phiên khúc nhạc không kém Blauen Donau của Johann Strauss.


Theo T.S Alan Phan/Tuanvietnam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cám ơn bạn đã gởi nhận xét.