Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

Đâu là sự thật về dự án Kiên Lương?


Ngay giữa biển nước mênh mông, công viên, cây xanh vẫn được chăm chút dù kẻ lạ mặt bơi thuyền ra liên tục chặt phá, đốn cây...
Số 423 /CV-TTG.2013

 Ngày 23 tháng 04 năm 2013 

Kính gửi:
- Ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí Thư
- Ông Nguyễn Sinh Hùng – Chủ tịch Quốc Hội

- Ông Trương Tấn Sang – Chủ tịch nước
- Ông Nguyễn Tấn Dũng – Thủ Tướng
- Ông Lê Hồng Anh – Thường Trực Bộ Chính Trị
- Cùng các Ông, Bà Ủy viên Bộ chính trị


(V/v Báo cáo Tình hình Thực hiện dự án Nhiệt điện Kiên Lương và phản hồi thông tin báo tuổi trẻ Online đưa tin ngày 17/04/2013)

Ngày 17/04/2013, báo Tuổi trẻ Online đã đăng ý kiến Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng làm việc cùng tỉnh Kiên Giang ngày 14/04/2013 với nội dung:

“Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng dự án nhiệt điện Kiên Lương chậm tiến độ đã ảnh hưởng rất lớn đến tổng sơ đồ điện 7 và yêu cầu Kiên Giang có văn bản đề nghị Chính phủ tìm nhà đầu tư khác cho dự án nhiệt điện Kiên Lương, vì nhà đầu tư như hiện nay không đảm bảo năng lực tài chính”. 

Tập đoàn Tân Tạo khẳng định những nhận định này đã phản ánh chưa đúng sự nỗ lực phi thường của chủ đầu tư trong việc triển khai dự án và không thể hiện đúng trách nhiệm việc gây ra chậm trễ dự án là trách nhiệm của Bộ Công Thương đã và đang gây lãng phí, thiệt hại lớn cho đất nước và chủ đầu tư.

Chúng tôi xin gởi kèm theo đây bản Liệt kê các công việc triển khai dự án Trung Tâm Nhiệt điện Kiên Lương tại ‘Phụ Lục 1’ và các Hình ảnh tại ‘Phụ lục 2’ để các đồng chí nắm rõ.

Xin được tóm tắt ngắn gọn một số nội dung thực hiện đầu tư dự án như sau:

1. Pháp lý của dự án:

- Ngày 23/7/2009 Tập đoàn Tân Tạo đã được Tỉnh Kiên Giang cấp giấy phép đầu tư số 56121000615 cho phép đầu tư dự án Trung tâm Nhiệt điện Kien Lương.
- Bộ Tài chính Đã có văn bản số15339/BCT-TCĐN ký ngày 16/12/2008 trình Chính phủ đề nghị chấp thuận chủ trương bảo lãnh tín dụng cho dự án. Sau đó Văn Phòng Chính Phủ thong báo ý kiến của Thủ Tướng Chính Phủ thống nhất chủ trương bảo lãnh vốn vay cho dự án.
- Chủ trương đầu tư trong đó có cả hình thức BOO: Thủ tướng có VB cho phép về nguyên tắc vào 25/06/2009.
- Chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ đóng tiền sử dụng đất và cấp sổ đỏ cho khu vực dự án vào tháng 10/2011.- Các Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tư Pháp, Ngân hàng Nhà Nước, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đều có văn bản khẳng định tính pháp lý và đề nghị Chính Phủ cho thự hiện thí điểm mô hình BOO cho dự án điện Kiên Lương.


Nhà ở Chuyên gia và VP cũng đã được xây dựng xong chờ đón ....

2. Đền bù giải tỏa – Tái định cư:

Việc đền bù giải tỏa là vấn đề nhức nhối tại dự án này, do chủ trương của địa phương: đền bù giải tỏa xong vẫn phải trả lại tài sản cho người dân vì vậy mà chỉ sau một đêm ở vùng ngập mặn, hoang hóa bỗng mọc lên gần 500 cái chòi với những bồn vệ sinh mới mua về đặt ngay lên trên nền sình lầy! Có đêm tỉnh dậy hàng ngàn cái bàn thờ Thiên đã mọc lên để buộc phải đền bù…

Trong khi đó, giá đền bù ở vùng xa xôi heo hút tại Kiên Lương nhưng địa phương lại quy định cao hơn cả TP. HCM! Có những hộ dân tính toán giá trị nuôi tôm ở đầm sình lầy chẳng có đến nổi 01 kg cá được tính lên tới hàng trăm ngàn đô la thu nhập … Tuy vậy Tập đoàn Tân Tạo đã không nản chí, vừa thực hiện đền bù giải tỏa vừa chuyển dự án ra biển dù gặp trăm ngàn khó khăn chỉ nhằm để đảm bảo tiến độ cho dự án.


17 Km cọc thép công nghệ Nhật bản đóng bao quanh khu vực dự án lấn ra biển

3. Về việc xây dựng và chuẩn bị mặt bằng thi công:

Tính đến nay, Tập đoàn Tân Tạo đã đầu tư khoảng 240 triệu USD vào dự án điện Kiên Lương. Chủ đầu tư đã nạo vét được hàng chục triệu mét khối bùn, thực hiện san lấp được trên 88 ha của dự án nhà máy Kiên Lương bao gồm 60 ha mặt bằng cho nhà máy, khu phụ trợ, 10 ha Hệ thống đường sá, hệ thống kỹ thuật, hệ thống điện, hồ chứa nước phục vụ thi công 2.500m3/ngày, cống hộp, sân đậu trực thăng, công viên cây xanh, khu tái định cư, khu nhà văn phòng, nhà ở chuyên gia, công nhân…

Đặc biệt để hoàn thành được mặt bằng nhà máy chúng tôi đã phải làm tường vây bằng cọc thép trên 17 km ngoài biển mà mỗi cây cọc thép có trọng lượng từ 5 tấn đến 64 tấn phải đóng hàng năm trời ngoài biển khơi, thậm chí một chuyên gia nước ngoài chúng tôi thuê đã bị sóng biển cuốn mất tích…

Về cơ bản, không những mặt bằng nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương giai đoạn 1 đã hoàn thành từ năm 2011, sẵn sàn bàn giao cho nhà thầu EPC thi công nhà máy mà ngay cả các công trình phụ trợ khu văn phòng, khu nhà ở… đều đã hoàn thành từ năm 2010. Tuy nhiên việc khởi công xây dựng nhà máy điện hoàn toàn phụ thuộc vào Bộ Công Thương đàm phán hợp đồng bảo lãnh Quốc Tế -GGU và hợp đồng mua bán điện- PPA.


4. Về thu xếp vốnCác tổ chức tài chính tín dụng và cơ quan bảo hiểm Sinosure đã có văn bản từ ngày 24/08/2010 đồng ý bảo hiểm khoản vay cho Dự án và các ngân hàng đã ký văn bản đồng ý tham gia cho vay. Ngày 13/05/2011 chúng tôi đã ký biên bản làm việc thống nhất với các Tổ chức tín dụng Quốc Tế về điều khoản vay (giá trị, lãi suất, phí, thời hạn…). Do vậy về việc thu xếp nguồn vốn vay cho dự án được Hội đồng Quản trị Tập đoàn Tân Tạo hoàn tất từ lâu sẵn sàng cho việc triển khai dự án chỉ còn chờ các thủ tục pháp lý của dự án phải hoàn thành theo chuẩn mực Quốc tế là có thể ký kết Hợp đồng vay vốn và giải ngân.

5. Tư vấn và đấu thầu Quốc Tế

Trong suốt 05 năm qua chủ đầu tư đã làm việc với các tư vấn hàng đầu trên thế giới để đảm bảo nhà máy sẽ sử dụng công nghệ tiến tiến, bảo vệ được môi trường và đảm bảo tính khả thi cao trong việc thu xếp tài chánh trong thời điểm thế giới đang bị khủng hoảng tài chánh. Các tư vấn quốc tế của Dự án gồm: Tư vấn kỹ thuật Mott McDonald – Anh, Tư vấn về than Marston – Mỹ, tư vấn tài chánh Standard Chatter – Anh, Tư vấn thuế Delloitte – Mỹ, Kiểm toán KPMG – Mỹ, tư vấn bảo hiểm Willis – Mỹ, Tư vấn luật pháp Shearman & Sterling – Mỹ, tư vấn về nhập khẩu than, tư vấn quản trị nhà máy điện USGI,….

Chính vì đội ngũ tư vấn danh tiếng Quốc Tế đã giúp Chủ đầu tư lựa chọn được công nghệ tiến tiến, giá cả hợp lý, cùng việc thu xếp tín dụng môt cách khả thi cho dự án.


Sân đậu trực thăng cũng được xây dựng xong...

6. Các vướng mắc tồn tại không được giải quyết:


Với biết bao khó nhọc, thiếu nguyên liệu, khu vực dự án nằm xa xôi, hẻo lánh… song với mong muốn xây dựng một nhà máy điện kiểu mẫu sạch đẹp, chúng tôi đã phấn đấu phi thường. Ngay bản thân tôi đã trực tiếp lặn lộn dưới công trình, kể cả những ngày Tết nguyên đán cũng có mặt tại công trình. Chỉ mấy năm Tập đoàn Tân Tạo đổ tiền vào đầu tư thuê nhân công, mua vật tư, đất đá … đã biến địa phương nghèo khó này thay đổi da thịt so với ngày đầu tiên tôi xuống khảo sát vào năm 2007.

Trước khi Tập đoàn Tân Tạo nhận dự án này, nhà đầu tư nước ngoài đã vào 07 năm nhưng dự án vẫn nằm yên đó, ngay đến hồ sơ nghiên cứu quy hoạch cũng chưa hề được thực hiện. Chỉ một thời gian ngắn ngủi, với sự giúp đỡ của 12 tổ chức tư vấn hàng đầu thế giới do chúng tôi thuê từ tư vấn kỹ thuật nhà máy điện, tư vấn cảng, tư vấn chọn công nghệ, tư vấn nhập khẩu than, tư vấn tài chính, tư vấn đấu thầu Quốc Tế… Đặc biệt chúng tôi đã cùng tư vấn khảo sát tìm ra được khu vực có thể xây dựng cảng biển than để biến dự án Quy hoạch trên giấy thành hiện thực mà trươc đó Quy hoạch Nhiện điện Kiên Lương gần như phá sản vì không có cảng.

Có thể nói: Những gì mà sức người có thể làm được thì Tập đoàn Tân Tạo và cá nhân tôi đã thực hiện.
Đến cuối năm 2010 mặt bằng đã sẵn sàng bàn giao cho nhà thầu Quốc tế vào thi công nhà máy.

Tuy nhiên suốt 03 năm qua, công trình Nhiệt điện Kiên Lương đã phải nằm phơi đó không thể xây dựng nhà máy, cho dù về phía chủ quan của nhà đầu tư, chúng tôi đã hoàn thành cao nhất như tóm tắt gởi kèm tại Phụ lục 1. Song tất cả đều phải chờ Bộ Công Thương tổ chức đàm phán Hợp đồng GGU theo tiêu chuẩn Quốc tế áp dụng cho mô hình BOO ( Xây dựng – Vận hành & Sở hữu) – Đây là một tài liệu bắt buộc mà ngay các nhà thầu Quốc Tế đang thực hiện các dự án điện ở Việt Nam như Phú Mỹ, Mông Dương, … đều đã được Chính Phủ Việt Nam ký kết.

Mô hình BOO ở Việt Nam chỉ mới có tiền lệ cho các nhà đầu tư trong nước trong lĩnh vực Xây dựng nhà máy nước, riêng lĩnh vực xây dựng nhà máy điện chưa hề có tiền lệ. Chúng tôi đã phải mất rất nhiều thời gian làm việc cùng với các Bộ ngành và cá nhân tôi khi còn là đại biểu Quốc Hội, trước diễn đàn Quốc Hội cũng đã phát biểu về vấn đề này và đã được Thủ Tướng sau đó chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu cho thực hiện.

Đối với dự án Nhiệt điện Kiên Lương: Các Bộ, Ngành liên quan đã có văn bản ủng hộ việc bảo lãnh GGU theo mô hình thí điểm BOO cho dự án Nhiệt điện Kiên Lương 1.

Cụ thể, Tập đoàn Điện lực đã có văn bản số 218/EVN-TT ngày 20/01/2012; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản số 444/NHNN-QLNH ngày 01/02/2012; Bộ Tài chính có văn bản số 1582/BTC-TCDN ngày 10/2/2012; Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản số 82/BKHDĐT-GSTĐĐT ngày 7/3/2012 và Bộ Tư pháp đã có văn bản số 1815/BTP-PLQT ngày 8/3/2012, đều khẳng định: đây là dự án đầu tiên theo hình thức BOO (Xây dựng – vận hành – sở hữu) trong lĩnh vực điện nên chưa có quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật của nước ta. Tuy vậy, theo quy định của Điều 66 Luật đầu tư thì việc xây dựng bảo lãnh GGU là có thể chấp nhận được và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho áp dụng như một mô hình thí điểm.

Trên cơ sở các Bộ, Ngành đồng ý và ủng hộ, Ngày 2/5/2012, Bộ Công thương đã có văn bản số 3713/BCT-TCNL trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị giải quyết các vướng mắc của Dự án Kiên lương 1 và đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho áp dụng thí điểm việc ký bảo lãnh GGU và hợp đồng BOO cho Dự án nhiệt điện Kiên Lương 1 theo hình thức BOO.

Theo Bộ công thương cho biết: Chính Phủ đã tổ chức hợp hai lần vào tháng 8 và tháng 11/2012 nhưng đều không ra kết luận. Chính vì vậy Bộ Công Thương đã không thể triển khai đàm phán hợp đồng GGU với chúng tôi, cho dù chúng tôi đã nộp dự thảo GGU do các Luật sư Quốc Tế soạn thảo và rất nhiều lần nhắc nhở Bộ Công thương.

Cá nhân tôi trực tiếp gặp Bộ Trưởng Vũ Huy Hoàng đề nghị Bộ có kế hoạch đàm phán cụ thể. Bộ Trưởng đã hứa, nhưng rồi sau đó tất cả vẫn là im lặng.

Đã nhiều lần cán bộ của chúng tôi lên gặp nhắc nhở, thời gian đầu Bộ Công thương trả lời: Phải chờ Bộ kiện toàn bộ máy tổ chức, thành lập xong Cục năng lượng, các vụ của Bộ xong sẽ tiến hành ngay. Sau đó một thời gian dài vẫn không hề triển khai, chúng tôi nhắc nhở thì được trả lời “Tình hình chính trị các ông đánh nhau thế này chẳng làm gì được, phải chờ thôi…”

Chúng tôi đành phải chấp nhận chờ đợi dù cho mỗi ngày qua đi là thêm một ngày trả lãi cao và nhà thầu Quốc tế, đối tác thúc giục.

Tỉnh Kiên Giang đã họp nhiều lần, chúng tôi cũng đã báo cáo trình bày đầy đủ. Thực tế, chúng tôi tin chắc: Không một cấp có thẩm quyền nào nếu làm việc đúng pháp luật có thể kết luận chúng tôi vi phạm trong triển khai dự án Nhiệt điện Kiên Lương.

Các đồng chí Lãnh đạo và Thường vụ Quốc Hội có thể cử một đoàn vào kiểm tra, giám sát thực tế để thấy tận mắt những công việc chúng tôi đã hoàn thành và sự lãng phí ghê gớm do chậm trễ bởi cơ chế chính sách gây ra khiến nhà đầu tư gánh chịu nặng nề. Tính đến nay chúng tôi đã thiệt hại ít nhất có thể tính được trên 80 triệu USD do phải trả lãi và trả cổ tức bởi công trình xây dựng nằm phơi đó.

Vậy mà bỗng nhiên từ chỗ nguyên nhân gây ra hậu quả làm chậm triển khai tổng sơ đồ Điện 7, gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế đất nước và gây thiệt hại cho Doanh nghiệp thì Bộ Công Thương họp với Tỉnh Kiên Giang, công bố trên báo chí truyền thông đòi thu hồi dự án kết án ‘vì chậm trễ’ và trước đó đến điều tối thiểu làm việc với chúng tôi cũng không có???
Các đồng chí hãy làm một phép so sánh với các dự án của EVN, của Petrovietnam, của Tổng công ty than Việt Nam để thấy rõ bức tranh: Họ là những tập đoàn lớn của Nhà nước, toàn bộ tiền bỏ ra là của Ngân sách, được hưởng mọi lợi thế, vậy mà tổng kết bình quân mỗi dự án đã bị chậm từ 5-7 năm, thậm chí hàng chục năm!

Chỉ lấy ngay dự án Điện Phả Lại đã từng nổi sóng gió một thời, giá thắng thầu chỉ có 524 triệu USD với thời gian thi công 04 năm, vậy mà đến 12 năm nhà máy mới hoạt động được giá thành lên trên 800 triệu USD và ngay trong nội bộ của nhà máy đã lan truyền câu chuyện: Ngày làm lễ khởi động nhà máy, các quan chức Chính Phủ và Bộ ngành tề tựu về nhưng đã không thể khởi động được, lãnh đạo nhà máy đã có sáng kiến ‘đốt vỏ xe ô tô tạo khói bốc lên’ để có cảm giác nhà máy hoạt động!

Hay các dự án đầu tư của nước ngoài như Mông Dương cũng hơn chậm 07 năm và các nguồn vay vốn Quốc Tế cũng phải tuân thủ theo đúng chuẩn mực Quốc tế như những đề nghị mà Tập đoàn Tân Tạo xin được áp dụng.

Chưa có dự án nào của nhà đầu tư trong và ngoài nước đã được chủ đầu tư triển khai nhanh như chúng tôi và ngay từ đầu đã xây dựng cả công viên, cây xanh, nhà ở chuyên gia, công nhân… Chỉ còn chờ Chính Phủ mà trực tiếp là Bộ Công Thương đàm phán hợp đồng GGU ký kết đồng thời với Hợp đồng mua bán điện là có thể khởi công ngay.

Có lẽ hơn ai hết, các đồng chí hiểu rõ nguyên nhân sâu xa của việc dự án Nhiệt điện trọng điểm Quốc gia bị ách tắc.

Thực tế, suốt hai năm qua Tập đoàn Tân Tạo đã phải gánh chịu biết bao cay đắng, bất công có thể kể ra vài điều:

- Các ngân hàng Việt Nam trước đây chủ động đến liên hệ Tập đoàn cho vay và suốt 17 năm chúng tôi được xếp hạng tín dụng AAA+, bỗng nhiên sang năm 2011 và 2012 đồng loạt ngân hàng buộc chúng tôi phải hoàn trả vốn vay. Có cả hợp đồng thời hạn 05 năm vẫn kiếm cớ đòi hoàn trả ngay. Thực trạng: Cứ trên chính trường khi cao trào Tổng Bí Thư phát động chống tham nhũng, chỉnh đốn Đảng cũng là những đỉnh điểm Tập đoàn chúng tôi phải gánh chịu sự bất công vô lối từ Ngân hàng. Đã có nhiều ngân hàng nói thật với chúng tôi vì bị Thống đốc Bình gọi điện cấm không được cho vay nên buộc phải thu hồi và cắt giải ngân tín dụng…

- Bên cạnh đó có những ngân hàng cho vay 520 tỷ chúng tôi đã trả lại chỉ còn vốn 186 tỷ đồng và đã trả lãi gần 200 tỷ, vậy mà không giải chấp bớt tài sản thế chấp của chúng tôi giá trị trên 5.600 tỷ đồng theo quy định của Luật Tín dụng cũng là một cách cố tình đẩy doanh nghiệp đến chỗ chết.

- Các doanh nghiệp gắn bó với Tập đoàn và cá nhân tôi đã ứng tiền ra cho Tập đoàn trả nợ ngân hàng để đổi lại cấn trừ bằng cổ phiếu thì cũng phải mất hàng năm Ủy ban chứng khoán buộc yêu cầu cung cấp không biết bao tài liệu không hề nằm trong quy định, thậm chí chúng tôi còn được trả lời “Những việc liên quan đến ITA nhạy cảm lắm”. Đó cũng là bằng chứng cơ quan Chính Phủ giải quyết không phải theo luật pháp hiện hành mà đang dựa trên “nồng độ nhạy cảm”!

- Hàng ngày hàng triệu triệu cổ phiếu ITA giao dịch, song mọi CBCNV Tập đoàn đều có cảm giác nhiều phương tiện truyền thông luôn trực chờ để đăng những thông tin không chính xác về Tập đoàn, về Đại học Tân Tạo cố tình muốn đánh sập cổ phiếu ITA.

- Ngay tại dự án Kiên Lương đã có ít nhất 04 lần những nhóm lạ mặt ban dêm đột nhập vào công viên đốn chặt cây, đánh cả bảo vệ.. Kẻ xấu đốn chặt cây, phá công viên, chúng tôi trồng lại, chăm sóc, mang cây lớn từ vườn ươm của Tập đoàn xuống trồng lại thì lại bị đốn chặt tiếp…. Ai đó đang cố tình phá hoại dự án???


Sau khi tôi bị bãi miễn khỏi Quốc Hội ra nước ngoài chữa bệnh thì mấy tháng sau nhân viên của tôi bị bắt cóc giữa đường, nhóm bắt cóc buộc cô này phải gọi điện đến nói dối bị bệnh không đi làm được và gọi điện về nhà thì nói dối ngược lại là đang bận công tác tại Đại học. Sau đó hết giờ làm việc 10 người mặc thường phục đưa cô nhân viên này về Đại học lấy đi nhiều hồ sơ cá nhân của tôi.

Đến 6-9-2012 thì chúng tôi nhận được Quyết định khởi tố và Lệnh tạm giam với lý do “Xâm phạm quyền và lợi ích người khác”! Một cô nhân viên cao chưa tới 1.5 m, nặng hơn 40 kg đã bị hành hạ dã man, gia đình bị đe dọa không dám thuê Luật sư bảo vệ để rồi cô gái bị đưa cho tù hình sự hãm hiếp đến chết đi sống lại 03 lần, lần cuối đã gần như chết khiến phải đưa vào Bệnh viện Từ Dũ cấp cứu chỉ vì muốn buộc cô này công nhận những hồ sơ giả mạo về tôi là chủ nhân của Quan làm báo!

Kể từ đó hàng chục cán bộ của Tập đoàn bị chặn giữa đường bởi những người mặc thường phục đe dọa mục đích để họ sợ hãi rời bỏ tập đoàn. Rồi từ nhân viên IT của Đại học Tân Tạo đến CBCNV, ngay đến cả người bảo vệ già của Đại học cũng lần lượt bị triệu tập lên cơ quan an ninh, lên công an phường…

Một Tập đoàn hàng đầu của Việt Nam về tạo công ăn việc làm, biến những vùng đất ngập mặn, phèn chua thành những khu công nghiệp xanh ngay đến Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư Nhật Bản đã nhận xét “Khu công nghiệp đẹp nhất thế giới”! Một tập đoàn đi đầu trong đóng thuế, trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, trong việc xây dựng văn hóa làm từ thiện ở Việt Nam suốt một bề dày gần 20 năm, Tập đoàn với Đại học Tân Tạo mà chưa có một Đại học nào của Việt Nam sánh bằng, dù mới ra đời đã có hàng chục công trình nghiên cứu quan trọng được công bố đăng tải trên các tạp chí danh tiếng thế giới mà nhiều trường ở Việt Nam đến 10 năm cũng không có một công trình nào, Một đại học không thu học phí, cấp học bổng 100% dành cho sinh viên tài năng nghèo khó, sinh viên Hoa Trạng Nguyên … Một Tập đoàn tư nhân nhưng đã được Tặng không thiếu danh hiệu: Từ Huân chương lao động đến cờ thi đua, Bằng khen của Chính Phủ….

Vậy mà hai năm qua, Tập đoàn Tân Tạo, Đại học Tân Tạo đã và đang bị hành hạ, bị bôi nhọ, bị cố tình bức tử như vậy đó! Liệu có còn Doanh Nghiệp nào không phải gánh chịu những bất công như đại bộ phận các doanh nghiệp ngoài Quốc doanh Việt Nam?

Hầu hết những doanh nghiệp như chúng tôi đều tự hỏi mình: “Có một đất nước tiến bộ nào mà các doanh nghiệp tư nhân làm ra gần 50% GDP của cả nước lại bị hành hạ, bị đối xử không công bằng như vậy?

Tập đoàn Tân Tạo đến hôm nay vẫn còn sống bởi vì hoạt động của chúng tôi lành mạnh, hiệu quả chúng tôi làm ra cho đất nước và cho xã hội không thể phủ nhận được mà trong đó có cả sự hy sinh của những người chủ như chúng tôi, trong khi đoàn doanh nhân rời bỏ Việt Nam mang tiền chạy ra nước ngoài, thì chúng tôi lại dốc gần như toàn bộ tiền và tài sản cá nhân mình vào cứu công ty khi bị những nhóm thâu tóm tấn công.

Gia đình tôi đã có truyền thống: Khi tàu chuyên chở súng đạn do bác hai tôi làm thuyền trưởng bị giặc Pháp vây đã cho toàn thể thuyền viên và Chính ủy rời tàu, chỉ một mình bác tôi đã ở lại đốt tàu không để súng đạn rơi vào tay Pháp.

Vậy mà đến hôm nay thế hệ chúng tôi đang lèo lái những con thuyền trên thương trường cũng đang bị bủa vây không phải bởi quân thù mà bởi chính những thế lực thâu tóm đang phá hoại nền kinh tế và lòng tin của nhân dân.

Những phát biểu của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khiến người ta đặt câu hỏi: Phải chăng những nhóm bố già đang làm mưa, làm gió thâu tóm doanh nghiệp ở Việt Nam trong đó chúng tôi đang là nạn nhân vì được sự hậu thuẫn của Chính Phủ Việt Nam?

Câu trả lời đó chúng tôi tin rằng các đồng chí biết rõ và đông đảo người dân Việt Nam biết rõ.

Bác tôi dám hy sinh cả thân mình cho lý tưởng bởi lòng yêu nước. Thế hệ chúng tôi hôm nay đang đối mặt với kẻ thù dấu mặt: Tham Nhũng lũng đoạn được sự tiếp tay của các thế lực chính trị đã đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích Quốc gia và rõ ràng những hành động của họ đã vi phạm nghiêm trọng quyền con người được sống, được làm việc, được kinh doanh và được bảo vệ một cách hợp pháp.

Những tuyên bố của Bộ Công Thương đã khiến các nhà nhà đầu tư, nhà thầu Quốc Tế đã cùng chúng tôi bỏ nhiều công sức, tài chánh chuẩn bị dự vô cùng bất bình. Việc đòi thu hồi dự án Nhiệt điện Kiên Lương có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đang đánh mất lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài đã giảm sút nghiêm trọng vào Chính Phủ Việt Nam sẽ càng tồi tệ hơn trước con mắt của Thế giới.

Những phát biểu của Bộ Công Thương biến trách nhiệm của mình thành cái cớ thu hồi dự án chẳng khác nào một bằng chứng cho các nhà đầu tư thế giới khẳng định một thực trạng: Việt Nam đang hành động vi phạm pháp luật từ việc bắt cóc người, tra tấn hành hạ dã man, đến việc vô cớ thu hồi dự án dù cho lỗi là của chính các Bộ Ngành chức năng là thực trạng báo động ở Việt Nam. Hậu quả chỉ trong hơn một năm đã có hàng trăm ngàn doanh nghiệp bị bức tử và bị thâu tóm. Tập đoàn Tân Tạo là những bằng chứng sống của sự o ép, sự bất công từ hành động thực tiễn của các cơ quan trực thuộc Chính Phủ.

Thủ Tướng đã không dưới ba lần quan tâm trực tiếp nói với tôi: “Tập đoàn Tân Tạo là một Tập đoàn lớn nên lấy một khu đất tại Hà Nội xây dựng tòa cao ốc làm văn phòng cho xứng tầm….”. Tôi đã trả lời Thủ Tướng: “Cám ơn Thủ Tướng đã quan tâm, nhưng nói thật là Tập đoàn Tân Tạo không thể đi lạy các nơi được… Tân Tạo chỉ muốn làm cái gì khó mà không ai làm được nhưng lại có lợi cho dân cho nước…”

Nói như vậy để các đồng chí hiểu rõ quan điểm của chúng tôi, nếu Chính Phủ tìm được nhà đầu tư làm tốt hơn chúng tôi, vì lợi ích Quốc gia, chúng tôi sẵn sàng bàn giao lại dự án. Chúng tôi đề nghị định giá các khoản đã đầu tư, các khoản thiệt hại hoàn trả lại cho chúng tôi một cách minh bạch và theo các quy định của Luật pháp Việt Nam và Quôc Tế.

Chân thành cám ơn và trân trọng kính chào ./.


Đặng Thị Hoàng Yến

PHỤ LỤC 1
TỔNG HỢP CÁC MỤC CÔNG VIỆC CHÍNH
Trong quá trình thực hiện dự án Trung tâm Điện lực Kiên Lương
(kèm theo văn bản số 423/CV-TTG.2013)

STT
Hạng mục công việc
Thời gian
Đơn vị thực hiện
Kết quả

 1
 Làm việc với tư vấn, Tỉnh Kiên Giang và các sở ngành về xin chủ trương đầu tư dự án NMĐ Kiên Lương
 11/2006 – 2/2007
Tập đoàn Tân Tạo, Tư vấn Điện 2, UBND tỉnh Kiên Giang
 UBND tỉnh Kiên Giang có VB trình Bộ Công thương đề nghị Bổ sung quy hoạch đầu tư nhà máy nhiệt điện than tại huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang
2
Chủ trương đầu tư
2/2007-7/2007
Tập đoàn Tân Tạo & các đơn vị phối hợp
7/2007: VP Chính phủ có văn bản 3941/VPCP-QHQT đồng ý nguyên tắc cho đầu tư NMĐ
3
Khảo sát và lập đề cương thiết kế quy hoạch dự án
7/2007-1/2008
Tập đoàn Tân Tạo, PECC2
1/2008, Bộ Công Thương có Quyết định của Bộ công thương : Phê duyệt đề cương dự tóan lập quy họach địa điểm TT điện lực Kiên Lương
4
Báo cáo quy hoạch tổng thể TTĐL Kiên Lương và xin ý kiến đầu tư Cảng Nam Du
2/2008
Tập đoàn Tân Tạo, PECC2
Báo cáo UBND tỉnh Kiên Giang & Bộ Công Thương, MOIT có VP trả lời 25/2/2008
5
Làm việc với các Bộ : Bộ NN & PTNT,   Bộ XD, Bộ KHĐT, EVN, Bộ GTVT, Bộ Quốc Phòng; Sở  VH-TT về quy hoạch địa điểm dự án
2/2008-4/2008
Tập đoàn Tân Tạo, PECC2, MOIT
Các đã có văn bản góp ý và trả lời thống nhất vị trí
6
Làm việc với UB tỉnh Kiên Giang và các sở ngành tỉnh về tiến độ thực hiện dự án; báo cáo tiến độ trình Thủ tướng
4/2008
Tập đoàn Tân Tạo, PECC2
UBND tỉnh Kiên Giang có báo cáo trình Thủ tướng và các Bộ ngành
7
Xin khảo sát cảng biển và luồng tuyến vào cảng Nam Du
4/2008 – 5/2008
Tập đoàn Tân Tạo, tư vấn FHDI
UB tỉnh cho phép khảo sát và có VB trình Thủ tướng, Thủ tướng đề nghị các Bộ ngành cho ý kiến
8
Xin đầu tư khu Tái định cư dự án Điện Kiên Lương
5/2008-6/2008
Tập đoàn Tân Tạo, tư vấn SEI
UB tỉnh Kiên Giang có văn bản chấp thuận về chủ trương vào ngày 19/06/2008
9
Phê duyệt quy  hoạch tổng thể địa điểm XD trung tâm Điện Lực Kiên Lương
4/2008-6/2008
Tập đoàn Tân Tạo, tư vấn
MOIT có Quyết định phê duyệt QH tổng thể mặt bằng
10
Xin bổ xung Cảng Nam Du vào danh mục Cảng biển Việt Nam
5/2008-7/2008
Tập đoàn Tân Tạo, tư vấn
4/7/2008, UB tỉnh Kiên Giang có VB trình Bộ GTVT đề nghị bổ xung cảng Nam Du
11
Thành lập hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng
7/2008
Tập đoàn Tân Tạo, UB huyện Kiên Lương
25/7/2008, UB huyện Kiên Lương có QĐ thành lập hội đồng đền bù GPMB dự án
12
Đề nghị xác định chủ đầu tư dự án TT Điện lực Kiên Lương
7/2008
Tập đoàn Tân Tạo
MOIT có VB trình Thủ tướng đề nghị xác nhận chủ đầu tư
13
Làm việc với EVN về việc mua bán điện
5/2008-72008
Tập đoàn Tân Tạo, Tư vấn
31/7/2008, EVN có trả lời nêu ý kiến chung
14
Xây dựng và trình phương án đền bù giải tỏa
7/2008
Công ty Năng lượng Tân Tạo, Trung tâm Tư vấn Sở TNMT và địa phương.
Đã phê duyệt Phương án Tổng thể vào tháng  12/2008
15

Công bố quy hoạch ra nhân dân
11/2008
Công ty Năng lượng Tân Tạo và địa phương
Đã hoàn thành
16
Duyệt thiết kế cơ sở
12/2008
Bộ Công thương
Hoàn thành vào tháng 1/2009
17
Lập quy hoạch 1/2000 và 1/500 Khu nhà ở dành cho công nhân và tái định cư cho dự án (Khu 57ha)
Tháng 10/2008 và 11/2008
Cty Năng lượng Tân Tạo (TEC) và tư vấn SEI
Dự kiến được phê duyệt vào tháng  4/2009 đến nay vẫn chưa hoàn thành do Huyện chậm trễ nhưng không nêu bất cứ lý do gì.
18
Quy hoạch Khu  nhà ở dành cho chuyên gia, văn phòng điều hành, nhà máy cung cấp nước ngọt (Khu 200 ha)
Tháng 10/2008 và 11/2008
Tập đoàn Tân Tạo
Đã hoàn tất  

19
Đề xuất Chính phủ ra Văn bản Chấp thuận bảo lãnh cho dự án Điện Kiên Lương.
Tháng 11/2008
Bộ Tài Chánh
Đã có văn bản số15339/BCT-TCĐN ký ngày 16/12/2008 trình Chính phủ đề nghị chấp thuận chủ trương bảo lãnh tín dụng cho dự án.
20
Hoàn chỉnh báo cáo đấu nối điện  và Thỏa thuận đấu nối với Công ty truyển tải điện –NPT.
Tháng 11/2008
Công ty Năng lượng Tân Tạo và PECC2, Công ty truyền tải điện NPT
Đã hoàn thành vào tháng 02/2009.
21
Lắp đặt đồng hồ và hệ thống cung cấp nước ngọt cho thi công.
12/2008
TEC & Cty Cấp nước Kiên Giang.
Dự kiến hoàn thành vào tháng 11/2009.
22
Nộp báo cáo dự án đầu tư Nhà máy nhiệt điện Kiên Lương 1 (bảng Tiếng Việt) để xin giấy phép đầu tư.
Tháng 2/2009
Sở KHĐT Kiên Giang
Sở KHĐT Kiên Giang đã có văn bản gửi xin ý kiến Bộ KHĐT vào ngày 9/3/09 đang chờ Bộ KHĐT trả lời.
23
Tổ chức gọi thầu tư vấn Owner Engineer (OE)
Tháng 12-2008
Công ty Năng lượng Tân Tạo và và các Chuyên gia
Hiện nay đã chọn được 02 đơn vị tư vấn vào Short List, đang đàm phát các điều khoản hợp đồng để ký kết.
24
Tổ chức đo vẽ, thẩm định ngoại nghiệp, kê biên, áp giá, đền bù giải tỏa.
Từ Tháng 11/2008
Công ty Năng lượng Tân Tạo, Trung tâm Tư vấn Sở TNMT và địa phương.
Hiện vẫn đang tiến hành, dự kiến sẽ hoàn thành vào 15/04/2009.
25
Tổ chức đấu thầu EPC
16/2/2009
Công ty Năng lượng Tân Tạo và các tư vấn
Đã thực hiện và hiện đang chờ các nhà thầu EPC nộp hồ sơ chào thầu vào ngày 01/06/09
26
Nộp Báo cáo về Đánh giá tác động môi trường của Nhà máy điện.
12/2008
Cty Năng lượng Tân Tạo, Cty tư vấn, Bộ TNMT.
Đã bảo vệ lần 1, hiện đang chỉnh sửa và trình lại.
27
Nộp và báo cáo Đánh giá Tác động Môi trường về Nạo vét luồng lạch cảng Kiên Lương
11/2008
Tập đoàn Tân Tạo, SEI, Tư vấn và Sở TNMT  Kiên Giang.
Đã hoàn thành  
28
Bổ sung quy hoạch Cảng Kiên Lương và cảng Nam Du vào Quy hoạch cảng quốc gia.
12/2008
Cục Hàng Hải
Hoàn thành 3/2009
29
Viết báo Đánh giá tác động môi trường cho Nhà máy điện và cảng Kiên Lương  bằng tiếng Anh và thực hiện theo tiêu chuẩn của các tổ chức tín dụng Quốc tế.
10/2008-6/2009   
Tập đoàn Tân Tạo, Trung tâm Công nghệ Môi trường, PECC2, FHDI và USGI (Hoa Kỳ)
Hoàn thành 6/2009
30
Viết báo cáo khả thi FS và Thiết kế cơ sở của Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương theo tiêu chuẩn của các tổ chức tín dụng Quốc tế yêu cầu.
Tháng 12/2008   
Công ty Năng lượng Tân Tạo, Công ty CP TV XD Điện 2, Black & Veatch, US Global Institute
Đã hoàn thành
31
Làm việc với các tổ chức tín dụng Quốc tế
Từ tháng 11/2008
Tập đoàn Tân Tạo, Công ty Năng lượng Tân Tạo, tư vấn tài chánh Quốc tế USGI, Standard Charter,…
Vẫn đang thực hiện, hiện phụ thuộc vào Hợp đồng mua bán điện và GGU
32
Khảo sát để quy hoạch, thiết kế hệ thống dẫn nước mặt từ Kênh Vĩnh Tế xa khoảng 50-60km về Kiên Lương
1/2009
Tập đoàn Tân Tạo, T.E.C, Foodtech & SEI.
 Xin phép xây dựng nhà máy cung cấp nước vì toàn bộ vùng Kiên Lương bị ngập mặn và công ty cấp nước của tỉnh không thể cung cấp nước cho nhà máy.
33
Phê duyệt dự án đầu tư
2/2009
Công ty Năng lượng Tân Tạo thực hiện theo văn bản cho phép của Bộ Công thương.
Hoàn thành 03/2009
34
Phê duyệt Thiết kế cơ sở Nhà máy điện
12/2008-1/2009
Tập đoàn Tân Tạo, PECC 2, Black & veach, FHDI, SEI
MOET đã phê duyệt kết quả Thẩm định thiết kế cơ sở nhà máy Kiên Lương 1
35
Phê duyệt tổng mặt bằng
12/2008-1/2009
Tập đoàn Tân Tạo & tư vấn
MOET đã có Quyết định phê duyệt tổng mặt bằng số 0209/QĐ-BCT, 13/01/2009
36
Bổ xung quy hoạch cảng TT điện lực
8/2008-1/2009
Tập đoàn Tân Tạo & tư vấn
Cục Hàng hải có VB yêu cầu chỉnh sửa hồ sơ quy hoạch cảng TTĐL
37
Xin phép khai thác đá xây dựng
12/2008-1/2009
Tập đoàn Tân Tạo
UBND tỉnh Kiên Giang cho phép khai thác mỏ đá Hòn Sóc
38
Thu hồi đất để tiến hành đền bù giải tỏa
10/2008- 2/2009
Tập đoàn Tân Tạo
UBND tỉnh Kiên Giang có quyết định thu hồi đất
39
Làm việc về đơn giá đền bù và ranh mốc dự án
1-2009-3/2009
Tập đoàn Tân Tạo, Sở Tài Chính, Sở TNMT
Đã bàn giao nhận mốc vào 2/2009
40
Tổ chức đấu thầu Quốc Tế
Từ 7/2008 đến 2010
Tư vấn, TEDC và các nhà thầu Quốc Tế
Đã hoàn thành, đã ký kết Hợp đồng EPC vào năm 2011.
41
Đàm phán mua bán điện  với Tổng Công ty mua bán điện về hồ sơ đo đếm SCADA/EMC
10/3/2009 - 2011
Công ty Năng lượng Tân Tạo và Tổng Công ty mua bán điện - EPTC (thuộc EVN)
Đã tiến hành buổi họp đầu tiên vào ngày 10/03/2009, đến cuối năm 2011 cơ bản Hợp đồng mua bán điện đã xong, chỉ còn các điều khoản liên quan và giá điện phải chờ GGU do Bộ Công thương quyết định.
42
Lắp đặt đồng hồ và trạm biến áp cung cấp điện cho thi công.
3/2009
TEC & Cty điện lực Kiên Giang.
Đã hoàn thành
43
Chuyển chủ đầu tư cho Cty CP Năng lượng Tân Tạo
6/2009
Tập đoàn Tân Tạo, TEC
Thủ tướng có VB cho phép về nguyên tắc vào 25/06/2009
44
Xin cấp giấy chứng nhận đầu tư
5/2009-7/2009
Tập đoàn Tân Tạo
UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư 23/7/2009
45
Rà phá bom mìn
8/2009
Tập đoàn Tân Tạo, Cty Lũng Lô thuộc Bộ TL công binh
Tiến hành rà phá bom mìn để thi công
46
Xin phép di dời vị trí nhà máy điện
8/2009-10/2009
Tập đoàn Tân Tạo, tư vấn, UB tỉnh Kiên Giang
13/10/2009, MOIT có QĐ phê duyệt hiệu chỉnh tổng mặt bằng dự án
47
Xin bảo lãnh chính phủ cho dự án BOO
8/2009-nay
Tập đoàn Tân Tạo đã trình các Bộ ngành và Thủ tương
Chưa có kết quả
48
Lập hồ sơ giao đất
11/2009
Tập đoàn Tân Tạo
UB tỉnh có QĐ Giao đất
49
Thỏa thuận lấp kênh và nạo vét bùn
9/2009-1/2010
Tập đoàn Tân Tạo
Cục Hàng Hải và Bộ NN&PTNT có ý kiến
50
Điều chỉnh Chứng nhận đầu tư
5/2010-7/2010
Tập đoàn Tân Tạo
UBND tỉnh chấp thuận điều chỉnh
51
Báo cáo tiến độ dự án
4/2010
Tập đoàn Tân Tạo
Trình Thủ tướng và các Bộ ngành
52
Đàm phán mua bán điện
Từ 4/2010 - nay
 Tập đoàn Tân Tạo
Còn vướng GGU phải chờ Bộ Công Thương quyết định
53
Thiết kế xây dựng Nhà chuyên gia tại khu TĐC
7/2010 đến nay
Tập đoàn Tân Tạo, Sở XD
Tân Tạo đã hoàn thành Tòa nhà chuyên gia
54
Làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang về các vấn đề vướng mắc
10/2010
Tập đoàn Tân Tạo
22/10/2010, VP UB tỉnh có thông báo kết quả cuộc họp
55
Đóng tiền sử dụng đất, Sổ đỏ về quyền sử dụng đất
Từ 2008 đến 11/2010
Tập đoàn Tân Tạo, sở TNMT
Hoàn thành
56
Lập hồ sơ quy hoạch 1/500
10/2010-1/2011
Tập đoàn Tân Tạo, SEI
UB tỉnh phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch 1/500
57
Lập phương án và xin khai thác mỏ đá
7/2009-12/2010
Tập đoàn Tân Tạo, SEI
Không có kết quả nên không có nguyên liệu đạt tiêu chuẩn để san lấp mặt bằng
58
Phê duyệt điều chỉnh mặt bằng tổng thể TTĐL Kiên Lương
1/2011-8/2011
Tập đoàn Tân Tạo, SEI, PECC 2
MOIT có vb 7315/BCT-NL đồng ý chủ trương
59
Đề nghị xác định tiền sử dụng đất
9/2012
Tập đoàn Tân Tạo
Trình UBND tỉnh và các Sở ngành tỉnh xem xét
60
Báo cáo tiến độ dự án
10/2012
Tập đoàn Tân Tạo
Trình UBND tỉnh Kiên Giang
61
Đàm phán GGU, PPA
Từ 2/2011 Đến nay
 Tập đoàn Tân Tạo
Phia Tân Tạo đã trình dự thảo nhiều lần, đã đàm phán với EVN về cơ bản các điều khoản. Riêng giá điện và GGU còn phụ thuộc vào cơ chế BOO do Bộ Công Thương chưa tổ chức đàm phán dù các Bộ, ngành đã có ý kiến đề nghị cho làm thí điểm.
62
Pháp lý về GGU và đàm phán PPA
Từ 2/2011
EVN
Tập đoàn Điện lực đã có văn bản số 218/EVN-TT ngày 20/01/2012
63
Cơ chế chuyển đổi ngoại tệ
Từ 3/2011
Ngân hàng nhà nước
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản số 444/NHNN-QLNH ngày 01/02/2012
64
Hợp đồng GGU
Từ 3/2011
Bộ Tài Chính
Bộ Tài chính có văn bản số 1582/BTC-TCDN ngày 10/2/2012
65
Thí điểm BOO để đàm phán GGU
Từ tháng 2/2011
Bộ Kế hoạch đầu tư
Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản số 82/BKHDĐT-GSTĐĐT ngày 7/3/2012 khẳng định tính pháp lý và đề nghị Bộ Công Thương cho Tân Tao làm thí điểm.
66
Thí điểm BOO để đàm phán GGU
Từ tháng 2/2011
Bộ Tư Pháp
Bộ Tư pháp đã có văn bản số 1815/BTP-PLQT ngày 8/3/2012 khẳng định tính pháp lý và đề nghị Bộ Công Thương cho Tân Tao làm thí điểm.


3 nhận xét:

  1. Đau lòng lắm cô ạ!!!!
    Con không hiểu vì sao lại thế! -TTUer

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Được dân bầu lên làm cấp cao,riết rồi coi dân chẳng ra gì...ép người quá đáng!

      Dân tình bể khổ
      Kẻ cậy quyền ngoảnh mặt làm ngơ!!!

      Xóa
  2. Con biết cô đang chịu nhiều áp lực và có hàng tá công việc để làm, nhưng sức khỏe vẫn là quan trọng nhất. Cô cố gắng giữ gìn sức khỏe để có thể tiếp tục làm việc, làm trụ cột cho tập đoàn Tân Tạo, cho Đại Học Tân Tạo. Con hy vọng một ngày nào đó sóng gió sẽ qua, tập đoàn Tân Tạo sẽ lại được yên bình!!! con chúc cô luôn khỏe mạnh và vui vẻ.
    Sinh viên Đại Học Tân Tạo

    Trả lờiXóa

Cám ơn bạn đã gởi nhận xét.